Những thầy cô giáo đặc biệt tại Iris School

Tại Iris School, mỗi thầy giáo, cô giáo đều có một câu chuyện rất thú vị về “cái duyên” đến với nghề dạy học. Trong đó, thầy Vương, cô Danh và thầy Thức là những cái tên vô cùng đặc biệt. Từng là Kiện tướng Thể thao Quốc gia, các thầy cô đã bén duyên với Iris School và bắt đầu hành trình cùng các con rèn luyện sức khỏe, phát triển kỹ năng ở các môn thể thao, giúp các con luôn có thể chất và tinh thần tốt nhất để học tập hiệu quả.

Chúng mình cùng lắng nghe chia sẻ của các thầy cô về “cái duyên” đến với nghề giáo nhé!

Xin chào thầy Vương, cô Danh, thầy Thức! Được biết, cả 3 thầy cô đều từng tham gia thi đấu thể thao chuyên nghiệp, thầy cô có thể chia sẻ với Irises về môn thể thao mình từng tham gia thi đấu? 

Thầy Mai Quốc Vương: Thầy từng là Vận động viên Đội tuyển Wushu Thái Nguyên, Đội tuyển Wushu Việt Nam và được phong là Kiện tướng Quốc gia môn Wushu.

Cô Dương Thị Danh: Cô thì là cựu vận động viên Đội tuyển Bóng đá nữ tỉnh Thái Nguyên, Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam và là Kiện tướng Quốc gia môn Bóng đá.

Thầy Phạm Văn Thức: Trước đây thầy là vận động viên Đội tuyển Vật tỉnh Thái Nguyên và là Kiện tướng Quốc gia môn Đấu vật.

Thầy cô có thể chia sẻ một chút về thời kỳ còn thi đấu đỉnh cao trước khi trở thành giáo viên?

Thầy Mai Quốc Vương: Đối với thầy, thời kỳ thi đấu trong đội tuyển Quốc gia là một hành trình rất đẹp và hạnh phúc. Thầy được đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người và học được rất nhiều điều mới mẻ. Tuy nhiên, để có được điều đó thì bản thân thầy cũng như các anh, chị vận động viên cũng trải qua rất nhiều khó khăn như thời gian tập luyện dài, khối lượng tập luyện rất lớn, lịch thi đấu dày đặc và cả những lần chấn thương. Nhưng tất cả đều có thể vượt qua vì màu cờ sắc áo, để quốc kỳ Việt Nam có thể tung bay và để Quốc ca được vang lên tại các đấu trường lớn. Và thật vinh dự khi được đứng lên bục nhận huy chương, cảm giác ấy rất tuyệt.

Thầy Mai Quốc Vương – Kiện tướng Quốc gia môn Wushu

Cô Dương Thị Danh: Khoảng thời gian là vận động viên có lẽ là hành trình ấn tượng và khó quên nhất trong cuộc đời của cô. Cô bước vào con đường rèn luyện và thi đấu chuyên nghiệp khi đang là học sinh cấp THPT, từ một cô gái sinh ra và lớn lên trên miền đất khó khăn và văn hóa thấp bước đến một nơi xa xôi, lạ lẫm với những hồi hộp và lo lắng… Nhưng với cô gái tuổi 15 khi ấy, cô cũng ý thức được việc trở thành một vận động viên sẽ cho mình cơ hội gần hơn với con đường vào đại học hoặc một cuộc sống bớt khó khăn hơn, giúp được cho bố mẹ giảm bớt gánh nặng cuộc sống.

Khi tham gia vào đội tuyển bóng đá nữ tỉnh Thái Nguyên cô đã phải trải qua những ngày tháng tập luyện vất vả, vừa đi học vừa tập luyện nhưng sau những giọt mồ hôi và cả có lúc đổ máu thì bản thân cũng nhận lại những vinh quang, những thành tích xứng đáng với 10 năm gắn bó với nghiệp vận động viên.

Từ năm 2007 đến năm 2009 chính là thời gian cô trân quý nhất khi được tham gia vào Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tại các giải đấu lớn như Asian Women Cup, Vòng loại Giải Chuyên nghiệp nữ Châu Á… được tập huấn tại nước ngoài – những nơi mà cô luôn mơ ước được đặt chân tới ít nhất một lần trong đời và được chào đón như một người nổi tiếng… Đó là những khoảnh khắc huy hoàng.

Thầy Phạm Văn Thức: Được trở thành một vận động viên, được tham gia thi đấu chuyên nghiệp luôn là niềm mơ ước, khao khát và là cái đích mà thầy luôn hướng đến. Trên chặng đường chinh phục đam mê, cũng giống như những vận động viên khác, thầy đã phải ctrải qua tất cả những đắng cay, ngọt bùi, đó có thể là những giọt nước mắt lúc chiến thắng hay cũng có thể là sự nuối tiếc trong những khoảnh khắc thất bại. Thế nhưng dù là gì đi chăng nữa tình yêu đối với thể thao như một ngọn lửa luôn cháy mãi trong thầy và sẽ không bao giờ vụt tắt. 

Cơ duyên nào đưa thầy/cô trở thành giáo viên giáo dục thể chất?

Thầy Mai Quốc Vương: Thật ra ngày trước thầy cũng không nghĩ là sẽ làm giáo viên, lại còn là giáo viên thể chất nữa. Ngày ấy thầy đang ở đội tuyển cũng gần hết hạn hợp đồng, khi ấy bố mẹ mới gọi về và nộp hồ sơ để đi học. Ngày ấy mình được tuyển thẳng vì là Kiện tướng Quốc gia. Khi đi học đại học năm nhất rồi thầy mới làm quen được với môi trường giáo dục, ở môi trường học tập thì mọi thứ rất nhẹ nhàng, không còn áp lực như trước nữa, và rồi được các thầy giáo ở trường truyền lửa nên thầy cũng bắt đầu thấy thích nghề nhà giáo. Sau này trở thành giáo viên, được tiếp xúc, được dạy dỗ và hướng dẫn học trò đã khiến thầy càng ngày càng “mê” nghề giáo.

Cô Dương Thị Danh – Kiện tướng Quốc gia môn Bóng đá

Cô Dương Thị Danh: Trở thành một cô giáo dạy thể chất là một trong những ước mơ lớn của cô. Chính vì vậy, ngay khi đang là vận động viên cô đã bắt chọn Đại học Thái Nguyên là nơi để hiện thực ước mơ của mình. Ngày đầu tiên bước vào cổng trường Đại học, cô đã rất hồi hộp và phấn khích. Tuy nhiên, không giống với những sinh viên khác, cô vừa đi học, vừa đi làm, vừa tập luyện dù rất vất vả nhưng cuối cùng cũng thành công. Trong quá trình học thì cô vẫn phải tham gia tập luyện để thi đấu nên thỉnh thoảng cô phải bảo lưu kết quả đến 2-3 tháng trong năm.

Một trong những lý do khiến cô mong muốn trở thành giáo viên thể dục là để truyền tải những kiến thức hữu ích từ rèn luyện thể thao đến các bạn học sinh, tiếp lửa cho những học sinh có năng lực tố chất vận động tốt, giúp đỡ học sinh có lối sống lành mạnh, hiểu biết đến các loại hình thể thao chuyên nghiệp, rèn rũa được những kỹ năng sống cơ bản cho học sinh… từ đó giúp học sinh định hướng được nghề nghiệp trong tương lai.

Thầy Phạm Văn Thức: Dạy học không chỉ là một nghề. Đó là một quá trình lao động cật lực và có được thành công ngoài sức tưởng tượng – dù lớn hay nhỏ.

Trở thành giáo viên dạy thể chất là niềm đam mê từ khi thầy bắt đầu tập luyện thể thao chuyên nghiệp. Thầy đam mê thể thao và cũng nhận thấy tầm quan trọng của thể dục thể thao trong đời sống hiện nay. Thầy muốn giúp người khác, đặc biệt là những em học sinh cùng có những trải nghiệm thú vị như thầy khi tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, hiểu được giá trị sức khỏe của bản thân và cộng đồng… một cách nhanh chóng hiệu quả.

Thầy Phạm Văn Thức – Kiện tướng Quốc gia môn Đấu vật

Chuyển từ thi đấu đỉnh cao sang giảng dạy thầy/cô có gặp khó khăn gì hay không?

Thầy Mai Quốc Vương: Chuyển từ thi đấu sang sang giảng dạy thật sự là không có khó khăn gì, khó khăn là khi thầy chuyển sang học đại học cơ. Vì khi thi đấu thầy cũng chỉ có một môn Wushu là chủ đạo, các môn khác đều chưa biết gì, nhưng nhờ tố chất vận động tốt nên việc tập luyện thêm các môn khác cũng không quá khó. Tại Iris School, thầy dạy rất nhiều nội dung trong môn Giáo dục thể chất nhưng không hề cảm thấy khó khăn hay áp lực, vì các nội dung giảng dạy đều là những môn sở trường, những môn mà đã thầy từng tập luyện và thi đấu rất nhiều năm.

Cô Dương Thị Danh: Khi trở thành một giáo viên dạy Giáo dục thể chất tại Iris School với phân môn đa dạng cô không gặp bất kỳ khó khăn gì về chuyên môn.  Bởi cá nhân mình có năng khiếu tốt, được học tập và rèn luyện nhiều năm thì nội dung nào cũng có thể dạy được và hiện tại cô chơi được với tất cả các môn thể thao như: Bóng đá, bóng rổ, cầu lông, bóng chuyền, bơi, điền kinh, tennis, bóng bàn… và cô luôn tự tin truyền tải được tất cả những kiến thức ấy đến học sinh.

Thầy Phạm Văn Thức: Giảng dạy tại trường với phân môn cũng như phân cấp học đa dạng, những ngày đầu vào trường có đôi chút khó khăn vì chưa nắm bắt được tâm lý học sinh mầm non, tiểu học khi phải vừa dạy vừa dỗ, một chút khó về thời gian chuyển giao các tiết học của các cấp. Còn với một giáo viên thể dục như cá nhân thầy cũng có năng khiếu tốt thì môn gì mình cũng dạy được và mình đều chơi được với tất cả các môn thể thao nên không gặp khó khăn về mặt chuyên môn.

Lời khuyên của thầy/cô dành cho Irisers có mong muốn theo đuổi con đường thể thao chuyên nghiệp?

Thầy Mai Quốc Vương: Theo thể thao chuyên nghiệp là cả một quá trình, một quãng đường dài và không phải ai cũng có thể theo được. Khi bạn thành công nghĩa là có thành tích thì mọi người mới biết đến, nhưng để có được thành tích thì không những đổ mồ hôi mà còn đổ cả máu, bỏ cả thời gian tuổi trẻ, chưa nói đến có nhiều vận động viên không may gặp những chấn thương không thể lành lại được. Mình không nói rằng nó không tốt, không nên tham gia, nhưng tốt nhất thì các con cần xem bản thân mình mạnh ở điểm nào, mình có khả năng gì, và môi trường nào sẽ phù hợp với bản thân để mình có thể phát huy được hết khả năng của mình. Chỉ có như vậy mới đem lại thành công thật sự cho bản thân và gia đình.

Cô Dương Thị Danh: Với những bạn học sinh có đam mê và mong muốn theo đuổi con đường rèn luyện chuyên nghiệp thì các con cần xác định mình có tố chất và năng lực ở mức độ nào, có sẵn sàng chịu những áp lực hay khó khăn khi tập luyện không? Mục tiêu có đủ lớn có dám theo đuổi đam mê? Nếu các bạn sẵn sàng và có đủ năng lực thì chắc chắn các bạn sẽ tỏa sáng. Cô mong rằng tất cả Irisers sẽ có những tiết học thể dục bổ ích và giúp các bạn có nguồn năng lượng tích cực để thực hiện các nhiệm vụ khác đạt kết quả cao. Và các bạn có đam mê với các môn thể thao thì luôn tự tin thể hiện bản thân, cô tin các bạn sẽ là những học sinh ưu tú.

Thầy Phạm Văn Thức: Nếu muốn theo thể thao chuyên nghiệp thì chúng ta phải có ước mơ, niềm đam mê cháy bỏng với môn thể thao mà các em lựa chọn và thứ không thể thiếu là ý trí, tự tin thể hiện để biến ước mơ của mình thành sự thật.

Cảm ơn thầy cô vì những chia sẻ hết sức ý nghĩa này. Chúc thầy cô luôn giữ vững nhiệt huyết với nghề, tiếp tục truyền tình yêu thể dục, thể thao đến Irisers!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.