Thương vụ diên vĩ – Cuộc cách mạng chuyển đổi số văn học

Với mong muốn phát huy tối đa những giá trị của bộ môn Ngữ văn, tạo cảm hứng học tập cho học sinh, thời gian qua các thầy cô giáo giảng dạy môn Ngữ văn tại Trường Iris đã có nhiều ý tưởng sáng tạo trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Đó là những tiết học tập theo dự án liên môn, sân khấu hóa văn học, đóng vai kết hợp với chuyển đổi số trong văn học… giúp các con học sinh hứng thú hơn với môn Ngữ văn. Tất cả các phương pháp giáo dục hiện đại này đều hướng học sinh là trung tâm của hoạt động học tập. Thầy, cô giáo đóng vai trò định hướng, nêu vấn đề, học sinh tìm hiểu, cùng nhau giải quyết vấn đề và thực hiện dự án.

Trong tuần vừa qua, Irisers 11A1 đã có cơ hội trải nghiệm một giờ học vô cùng thú vị. Đó là dự án liên môn Ngữ văn – Công nghệ – LiM (Leader in me – Lãnh đạo bản thân) mang tên “Thương vụ Diên vĩ”. Giờ học được xây dựng theo format chương trình “Shark Tank – Thương vụ bạc tỷ” trên truyền hình.

Các con học sinh tham dự án sẽ được đóng vai những chủ doanh nghiệp trẻ đang cần kêu gọi vốn đầu tư và thầy, cô vào vai những nhà đầu tư thẩm định dự án, đưa ra mức đầu tư phù hợp.

Để thực hiện dự án, Irisers 11A1 được chia làm hai nhóm. Nhóm 1 phân tích và thu âm bản audio tác phẩm văn học “Hoàng tử bé” – tác giả Antoine de Saint – Exupéry, nhóm 2 với tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” – tác giả Nguyễn Nhật Ánh. Sau khi hoàn thiện, hai nhóm sẽ đăng sản phẩm của mình lên các nền tảng số như Youtube, Sound Cloud… để tiếp cận độc giả – những khách hàng tiềm năng của mình.

Tại buổi báo cáo, hai nhóm đã trình bày về sản phẩm của mình, về lượng tương tác hiện có trên các nền tảng số, cũng như kế hoạch truyền thông, marketing… để thuyết phục các nhà đầu tư. Dù không phải “dân chuyên” nhưng các nhóm đã thể hiện được tinh thần học hỏi, áp dụng những kiến thức, kỹ năng được học trong môn Công nghệ và LiM để tự tin gọi vốn từ các nhà đầu tư.

Với vai trò nhà đầu tư giả định, cô Phạm Thị Xuân – Phó Hiệu trưởng phụ trách cấp THPT, cô Nguyễn Thu Hiền và Nguyễn Thị Mai Linh – Giáo viên cấp THPT Trường Iris đã đưa ra những câu hỏi, chất vấn rất thú vị cùng mức “deal” phù hợp với từng sản phẩm.

Kết thúc dự án, Irisers 11A1 không chỉ hiểu và trình bày được giá trị nội dung và nghệ thuật của một số tác phẩm văn học ngoài chương trình mà còn có thể thống kê các khoản thu, chi của một hoạt động kinh doanh nhỏ, lên kế hoạch quản lí tài chính phù hợp với hoạt động kinh doanh, sửa nội dung hợp đồng hợp tác thêm chặt chẽ, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của đôi bên. Đồng thời, các con cũng được rèn luyện kĩ năng trình bày, thuyết trình, kĩ năng làm nhóm và tìm kiếm thông tin, kỹ năng gọi vốn, cũng như tư duy kinh doanh. Từng bước hình thành, luyện tập thói quen thành công và thói quen xác định mục tiêu trong 7 thói quen hiệu quả, bồi dưỡng niềm yêu thích, rèn luyện phương pháp đọc sách.

“Các con học sinh rất vui và hứng thú khi được học tập bằng hình thức mới mẻ như thế này. Việc học văn học kết với hợp với môn Công nghệ cũng như các hoạt động của chương trình Lãnh đạo bản thân (LiM) đã khơi dậy được sự tò mò, kích thích các bạn say mê học tập. Nhờ vậy, các con thêm yêu thích văn học và dễ dàng tiếp thu những kiến thức bổ ích từ môn học này”, cô Nguyễn Thu Hiền – Giáo viên Ngữ văn cấp THPT chia sẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.