Đó là những chia sẻ của 03 Irisers trong đội thi xuất sắc giành Giải Nhất – Hạng mục Đơn tinh thể của Cuộc thi Nuôi Tinh thể – Ươm mầm Khoa học Việt Nam 2023 được tổ chức trong khuôn khổ dự án MOMA Việt Nam “Research-based Curricula Development of Molecular and Materials Sciences”.
Tinh thể học là một ngành khoa học còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Ngay sau khi được nghe thầy cô giới thiệu về ngành khoa học này, nhóm các bạn học sinh “mê” Hoá học đã bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu để chế tạo tinh thể.
Trong đó, các bạn Vũ Yến Nhi, Lưu Thế Ngọc và Vũ Quốc Khánh lớp 8A1 đã kết hợp tạo thành một nhóm nghiên cứu chuyên sâu dưới sự hướng dẫn của cô giáo Nguyễn Phương Chi – Giáo viên Hoá học cấp THCS. Thời gian đầu, các bạn đều chỉ là những người mới trong lĩnh vực này và chỉ được biết đến định nghĩa tinh thể qua lời giới thiệu của thầy cô trên lớp. Chính vì vậy, khi bắt đầu nghiên cứu các bạn đã tự mày mò tìm hiểu trên sách vở, Internet với sự hỗ trợ, hướng dẫn của thầy cô.
Nuôi tinh thể là một quá trình rất phức tạp bởi chỉ cần sai nhiệt độ hoặc sai khối lượng cũng có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. “Trong suốt thời gian nghiên cứu và thực hiện để cho ra sản phẩm, chúng con cũng có nhiều lần thất bại. Từ việc thí nghiệm không thành công, kết quả không như mong đợi đến những viên tinh thể đẹp mắt là cả một hành trình vô cùng vất vả. Sau những thất bại đầu tiên, chúng con đã cẩn thận hơn trong từng công đoạn, từ việc cân đo nguyên liệu, kiểm tra nhiệt độ vì chỉ cần “sai một ly là đi một dặm”. Chúng con cũng phân công nhau chăm sóc tinh thể thường xuyên để theo dõi tiến độ cũng như phát hiện bất thường để giải quyết kịp thời”, Yến Nhi chia sẻ.
Quá trình nuôi tinh thể sẽ diễn ra trong nhiều ngày. Đầu tiên, là cần tạo nên mầm tinh thể. Những mầm tinh thể này tiếp tục được nuôi thành những viên tinh thể lớn hơn. Viên tinh thể được tạo ra phải có hình thái, góc cạnh đẹp mắt và độ trong suốt hoàn hảo.
Để đạt được thành quả tốt nhất, gần như toàn bộ thời gian sau giờ học nhóm Yến Nhi, Quốc Khánh, Thế Ngọc đều ở phòng thí nghiệm của trường, thậm chí ngoài giờ học và cả cuối tuần. “Thật may mắn khi chúng con được nuôi tinh thể trong một môi trường thí nghiệm sạch sẽ, đầy đủ dụng cụ thiết yếu. Điều này cũng giúp quá trình nuôi tinh thể dễ dàng hơn, nhanh hơn và đẹp hơn” – Thế Ngọc chia sẻ.
Bạn Quốc Khánh tâm sự: “Điều khiến chúng con hứng thú nhất khi nuôi tinh thể là chúng con được tự nghiên cứu, tự thực hành và nhìn thấy tinh thể lớn lên từng ngày. Việc học qua thực hành luôn thú vị hơn lý thuyết, kết hợp kiến thức lý thuyết đã được học vào thực hà ơi nh thực tế giúp chúng con hiểu bản chất của bài học từ đó hiểu sâu hơn, nhớ lâu hơn”.
Với sự chăm chỉ, nỗ lực không ngừng nghỉ, nhóm của Yến Nhi, Quốc Khánh và Thế Ngọc đã xuất sắc giành Giải Nhất – Hạng mục Đơn tinh thể của Cuộc thi Nuôi Tinh thể – Ươm mầm Khoa học Việt Nam 2023 ngay lần đầu tiên tham gia.
Là người trực tiếp hướng dẫn các bạn tham gia cuộc thi, cô Phương Chi bày tỏ niềm vui mừng khi Irisers đã tìm ra được niềm đam mê của mình với Hoá học và say mê với nó.
Nhờ việc được làm quen và học tập với phương pháp giáo dục hiện đại “learning by doing – học qua thực làm” ngay từ khi bước chân vào Trường Iris, các bạn trong nhóm đã luôn chủ động trong suốt quá trình tìm hiểu, nghiên cứu lý thuyết đến thực hành thực tế nuôi tinh thể.
Thông qua cuộc thi lần này, các bạn đã được thực hành một trong những thí nghiệm khoa học mang tính thực tế cao nhằm tạo ra những tinh thể đẹp mắt ứng dụng trong việc trang trí và lĩnh vực vật liệu bán dẫn. Đồng thời, sau những lần thất bại, các con cũng rèn được tính kiên trì, khả năng phối hợp làm việc nhóm để nâng cao hiệu quả học tập.