Tuyên truyền về bệnh Chân – Tay – Miệng

Bệnh tay – chân – miệng do siêu vi trùng đường ruột thuộc nhóm Coxasackieviruses và Enterovirus 71 gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, gặp nhiều nhất là ở trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm, tăng cao từ tháng 2 – 4 và từ tháng 9 – 12 trong năm.

  1. Đường lây

Bệnh lây truyền trực tiếp từ người sang người qua đường tiêu hóa, cụ thể:

– Qua tiếp xúc trực tiếp với phân, dịch tiết mũi họng, phỏng nước bị vỡ.

– Qua tiếp xúc giữa các trẻ với nhau hoặc tiếp xúc với đồ chơi, bàn ghế sàn nhà….bị nhiễm vi rút.

– Qua đường tiêu hóa do ăn uống phải thực phẩm nhiễm vi rút.

  1. Triệu chứng của bệnh
  • Giai đoạn ủ bệnh:

Triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau khi nhiễm virus từ 3-6 ngày. Ở giai đoạn này, trẻ không có triệu chứng rõ rệt nên rất khó để nhận biết.

  • Giai đoạn khởi phát:

Biểu hiện sớm nhất của bệnh là mệt mỏi, sốt nhẹ (38 – 38,5 độ C), đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày. Sau đó bệnh sang giai đoạn toàn phát.

  • Giai đoạn toàn phát (thường bắt đầu sau 1 – 2 ngày khởi phát bệnh):

Đầu tiên là sự xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi; các mụn nước có kích thước nhỏ (2-3mm) nằm trên một nền niêm mạc viêm đỏ. Các mụn nước trong miệng thường dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết trợt loét rất đau rát làm trẻ khó ăn uống.

Tiếp theo xuất hiện các mụn nước, bọng nước ở bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp cả mụn nước, bọng nước ở mông. Các mụn nước, bọng nước này thường không gây đau rát; chúng tồn tại trong vòng 7 đến 10 ngày rồi xẹp xuống và tự mất đi kể cả khi không được điều trị.

  1. Biến chứng

Bệnh tay – chân – miệng là căn bệnh thường gặp ở trẻ em và rất nguy hiểm nếu không biết cách phát hiện, phòng tránh và điều trị kịp thời. Nguy hiểm hơn là bệnh có thể để lại biến chứng gây nên viêm màng não, viêm cơ tim… có thể dẫn đến tử vong.

  1. Phòng ngừa

Hiện nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh nên cần thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng bệnh là biện pháp tốt nhất:

– Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. (5 thời điểm rửa tay)

– Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng

– Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

– Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

– Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

  1. Xử trí khi trẻ bị bệnh:

– Khi thấy trẻ có các dấu hiệu: sốt, xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân và niêm mạc miệng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế.

– Khi trẻ bị bệnh phải cho trẻ nghỉ học hạn chế tiếp xúc với các trẻ khác.Cho trẻ nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh. Tuân thủ tuyệt đối các biện pháp cách ly.

– Không làm vỡ các nốt phỏng nước để tránh nhiễm khuẩn và lây lan bệnh.

– Tại các vị trí bị thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm.

– Hạn chế vận động, tăng cường dinh dưỡng cho trẻ ăn thức ăn lỏng và mềm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.