Biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm dịp Tết

Mỗi dịp Tết đến, các gia đình sẽ cùng nhau quây quần bên mâm cơm đoàn viên trong không khí ấm áp, hạnh phúc. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà ngộ độc thực phẩm thường có nguy cơ cao xảy ra vào những ngày Tết nếu gia đình không biết cách phòng tránh.

Ngộ độc thực phẩm xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến là do vi sinh vật, hoá chất độc do bản thân thực phẩm có chất độc, do thực phẩm bị hư hỏng, biến chất… Để gia đình khỏe mạnh trong những ngày Tết sắp đến, việc phòng tránh ngộ độc thực phẩm là rất quan trọng.

Để đảm bảo an toàn cho cả gia đình trong dịp Tết, Quý Phụ huynh và các con học nên thực hiện các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, cụ thể như sau:

Khi mua thực phẩm cần chọn thực phẩm an toàn, mua ở những địa chỉ đáng tin cậy, thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Không mua các thực phẩm khi phát hiện có dấu hiệu hư hỏng, thịt gia súc, gia cầm bị chết, thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Chế biến thực phẩm theo quy trình một chiều, từ sơ chế đến tinh chế, nấu nướng, bảo quản và sử dụng. Không đi ngược lại, không có sự bắt chéo giữa thực phẩm chưa chế biến, giữa thực phẩm sống với thực phẩm chín. Dụng cụ chế biến thực phẩm sống, chín phải riêng biệt. Không được chế biến thực phẩm dưới đất hay sát nền nhà.

Chế biến thực phẩm đúng cách: Các loại thực phẩm như thịt, trứng, hải sản đều phải được nấu kỹ. Các loại rau quả được ngâm kỹ, rửa sạch ít nhất 3 lần bằng nước sạch, tốt nhất là rửa dưới vòi nước chảy. Nếu sử dụng phụ gia hay phẩm màu thì phải đúng loại, đúng liều lượng. Chỉ mua và sử dụng phụ gia thực phẩm ở những cơ sở tin cậy, có nhãn mác rõ ràng.

Thực phẩm sau khi chế biến phải được dùng ngay trong vòng 2 giờ. Nếu bảo quản thì thực phẩm nóng được bảo quản ở nhiệt độ > 60 độ C, thực phẩm lạnh < 5 độ C, sau 2 giờ, muốn phục vụ khách hay ăn thì phải đun kỹ lại không để thực phẩm đã chế biến quá 4 giờ mới phục vụ. Thực phẩm sau khi chế biến được che đậy cẩn thận, không để động vật, côn trùng tiếp xúc hay đến gần thực phẩm, không để bụi rơi vào thực phẩm.

Sử dụng nước sạch để chế biến thực phẩm, vệ sinh dụng cụ, đồ bếp thường xuyên.

Không vào các quán ăn gần cống rãnh, ao tù nước đọng, bãi rác, hay các nguồn ô nhiễm khác. Không ăn ở những quán ăn quá ẩm thấp, nhiều bụi, nhiều ruồi, bẩn thỉu. Không ăn ở những nơi người bán dùng tay bốc thực phẩm, thường hắt hơi, xổ mũi, ngoáy mũi…

Khi vào quán ăn nên quan sát khu bếp, khu chế biến, nơi bảo quản thực phẩm. Nên vào các quán đảm bảo các yêu cầu vệ sinh. Chọn các món ăn còn mới nóng. Không ăn các thức ăn cũ hay nguội. Không ăn các thức ăn sống hoặc tái.

Hy vọng rằng, thông tin trên đây sẽ giúp Quý Phụ huynh, các con học sinh đã có thêm những kiến thức bổ ích để phòng chống ngộ độc thực phẩm, đón Tết vui tươi và an toàn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.