Thổi ngọn lửa đam mê môn Sinh học cho Irisers

Sinh học là một môn khoa học thực nghiệm nên việc học sinh được thực hành ngoài thực địa, trong các phòng học bộ môn có trang bị đầy đủ thiết bị học tập là rất quan trọng. Chính vì vậy, việc ứng dụng phương pháp STEM kết hợp với dạy học dự án, trải nghiệm đã giúp cho học sinh Iris ngày càng có hứng thú cũng như yêu thích, đam mê môn học này.

Đổi mới phương pháp giáo dục

Hiện nay, môn Sinh học được đưa vào giảng dạy cho học sinh cấp THCS và THPT. Môn học cho phép học sinh được quan sát, tìm tòi về bản thân và thế giới tự nhiên  từ đó rút ra các kết luận. Bởi thế, quá trình giảng dạy Sinh học cần tạo ra các tình huống ứng dụng để vừa học nội dung lý thuyết vừa ứng dụng lý thuyết đã học để giải quyết vấn đề thông qua thực hành.

Tuy nhiên, trong các bài giảng truyền thống, giáo viên luôn là trung tâm, học sinh sẽ thụ động tiếp nhận kiến thức, lý thuyết. Để môn Sinh học trở nên gần gũi và hiệu quả hơn với học sinh, Iris School đã áp dụng nhiều phương pháp giáo dục tiên tiến như STEM, dạy học dự án và dạy học trải nghiệm.

“Trong 2 năm học vừa qua, dù học sinh vẫn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006, nhưng các thầy cô luôn đưa những nội dung mới, những kiến thức mới và phương pháp mới vào các tiết học. Sang năm học 2021-2022, các em học sinh lớp 6 sẽ được học theo Sách giáo khoa Sinh học mới, các em lớp trên tiếp tục học Sách giáo khoa như trước đây. Tuy nhiên, điều này không hề ảnh hưởng tới việc học tập và tiếp thu bài của các em, bởi tất cả học sinh tại Iris School đều được học theo các phương pháp mới, kiến thức mới với nhiều trải nghiệm mới”, cô Đặng Thị Hoàng Hà – Giáo viên Sinh học Iris School cho biết.

Các em học sinh báo cáo dự án STEM về Tế bào

Với phương pháp giáo dục STEM, học sinh sẽ không học rời rạc từng môn mà tiếp cận liên ngành các môn thuộc những lĩnh vực là khoa học, công nghệ, toán học, kỹ thuật. Sự tiếp cận này sẽ giúp học sinh hiểu được rằng các sự vật, hiện tượng cũng như những lĩnh vực luôn có mối liên hệ, bổ trợ nhau chứ không tách rời. Vì thế, việc ứng dụng vào thực tiễn cũng cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn các kiến thức đã học.

Tại Iris School, phương pháp học tập chủ động, lấy học sinh làm trung tâm cũng được quan tâm, chú trọng. Điều này không chỉ được thể hiện ở việc các em được tự đề xuất, tìm kiếm đề tài, tài liệu nghiên cứu, chủ động trong học tập, làm bài tập nhóm mà còn trong cách đánh giá kết quả học tập. Thầy Đỗ Duy Thắng – Giáo viên Sinh học Trường Iris cho biết: “Khi có dự án STEM liên quan đến bộ môn Sinh học, thầy cô sẽ cung cấp lý thuyết cũng như hướng dẫn cơ bản cách làm và các các tiêu chí chấm điểm theo nội dung và mục tiêu của dự án để các em bám sát và thực hiện. Các em sẽ được làm việc theo nhóm, tự phân chia công việc, tiến hành và báo cáo kết quả, thuyết trình về sản phẩm với thầy cô và cả lớp. Sau khi có sản phẩm, các em cũng được tự đánh giá, và đánh giá lẫn nhau theo những tiêu chí thầy cô đã đề ra. Dựa vào đó, thầy cô đánh giá điểm dựa theo sản phẩm STEM và đóng góp của từng em trong nhóm, đảm bảo công bằng giữa các em học sinh, giúp các em hiểu rõ việc mình đã làm và kết quả đạt được tương ứng”.

Nhiều em học sinh sau khi học gieo hạt, trồng cây đã mang cây về nhà chăm sóc

Trong các tiết học, thầy cô luôn chọn các dự án STEM có tính ứng dụng cao, thiết thực, có thể kết hợp với các môn khoa học khác như Hóa học, Vật lý… để các em học sinh dễ quan sát, lắng nghe các sự việc, hiện tượng xảy ra trong cuộc sống, bước đầu vận dụng kiến thức được học trong nhà trường vào hoạt động nghiên cứu thực tế. Từ đó, giúp các em hiểu về các hiện tượng, sự vật một cách toàn diện hơn, chính xác hơn.

Đánh thức đam mê nghiên cứu khoa học

Thông qua phương pháp STEM, dạy học dự án và trải nghiệm, học sinh được giao quyền tự chủ trong việc học, nghiên cứu và tìm cách thực hiện dự án, giúp các em tiếp cận bài học sâu hơn, rộng hơn và hứng thú hơn so với việc chỉ được cung cấp kiến thức trong sách giáo khoa. Nhờ đó, các em được rèn luyện tính chủ động, tự giác trong học tập, đặc biệt là nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình và tư duy phản biện.

Điều này thể hiện rất rõ khi các em tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021 của tỉnh Thái Nguyên. Dự án của hai bạn Trần Khánh Dung và Trần Nam Giang đạt giải Nhì cấp thành phố, giải Ba cấp tỉnh là: “Bước đầu điều chế và đánh giá hiệu quả của Myopia Iris với việc cải thiện thị lực trên học sinh cấp THCS Trường Tiểu học, THCS, THPT Iris”. Đây là dự án liên môn Sinh học – Hóa học nên đòi hỏi các em cần biết cách kết hợp kiến thức của cả 2 môn học để giải quyết một vấn đề, nhưng điều này không hề gây khó khăn cho các em mà ngược lại các em đã làm tốt tốt.

Cô Hoàng Hà (ngoài cùng bên phải) cùng các em học sinh tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021 của tỉnh Thái Nguyên

“Ngay sau khi nhận được đề tài, các em đã chủ động lên các trang mạng chuyên ngành tìm hiểu thông tin, dịch bài và đến gặp thầy cô trao đổi, thống nhất hướng nghiên cứu và tiến hành xây dựng dự án, hoàn thiện sản phẩm. Ngày diễn ra cuộc thi, các em thuyết trình rất tốt về sản phẩm của mình trước Ban Giám khảo. Khi các khách mời, thầy cô đến hỏi về dự án, các bạn phản biện, thậm chí trao đổi về dự án với các thầy cô nước ngoài bằng Tiếng Anh rất trôi chảy. Điều này không phải là kết quả có được trong một thời gian ngắn mà các em đã được rèn luyện, học tập trong cả năm học thông qua các tiết học STEM, những lần làm mô hình và thuyết trình dự án ở tất cả các môn học tại trường”, cô Hoàng Hà chia sẻ.

Nhờ những trải nghiệm thực tế, những giờ báo cáo dự án, những chuyến đi thực địa đã kích thích sự tò mò của các em học sinh, từ đó thổi lên ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học, tìm ra các phương án giải quyết các sự vật, hiện tượng trong thế giới tự nhiên.

Hai em Khánh Dung và Nam Giang thực hiện dự án trong phòng thí nghiệm

Sau 2 năm học tập tại trường, em Trần Khánh Dung (học sinh lớp 8A2) cảm thấy vô cùng vui mừng và hạnh phúc khi được tiếp cận các phương pháp học tập mới. Cô học trò nhỏ cho biết: “Tại trường, không chỉ môn Sinh học mà các môn học khác đều đề cao tính thực tế, chúng em được tham gia nhiều dự án, nghiên cứu tìm tòi giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hằng ngày. Khi còn học ở trường cũ, em đã rất mong muốn được tham gia các Cuộc thi Khoa học kỹ thuật nhưng không có cơ hội. Tới đây, khi nhà trường phát động, em được chủ động đăng ký tham gia và được thầy cô hướng dẫn, chỉ bảo tận tình. Kết quả đạt được trong cuộc thi không chỉ là của riêng em và Nam Giang mà là kết quả của sự cố gắng, hỗ trợ của tất cả các thầy cô cũng như các bạn. Nhờ những tiết học trải nghiệm, những buổi học ngoài thực địa đã giúp em, các bạn trong lớp ngày càng yêu thích và hứng thú với môn Sinh học cũng như các môn khoa học khác”.

Trong năm học tới, Iris School sẽ tiếp tục triển khai các phương pháp giảng dạy mới kết hợp với các chuyến đi trải nghiệm thực địa để các em có cơ hội khám phá, tìm hiểu những điều thú vị của thế giới tự nhiên. Từ đó, các em sẽ hứng thú, yêu thích và đam mê môn Sinh học đồng thời kích thích sức sáng tạo, sự ham học hỏi của các em học sinh, giúp các em có những trải nghiệm học tập vui vẻ, bổ ích và đạt kết quả tốt nhất.

Để tìm hiểu kỹ hơn về chương trình học tại Iris School, Quý phụ huynh có thể tìm hiểu thêm thông tin tại đây: https://irisschool.edu.vn/cap-thcs

Để đăng ký ghi danh cho năm học 2021-2022, Quý phụ huynh vui lòng điền thông tin theo Form sau: https://bitly.com.vn/9htbhm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.